NĂM ĐỨC TIN
11 tháng 10, 2012 <---> 24 tháng 12, 2013
_______________________
BẢN GIAO HƯỞNG NĂM ĐỨC TIN
________________
Hội đồng Giám mục Việt Nam long trọng cử hành Thánh Lễ Khai Mạc Năm Đức Tin tại Nhà thờ chính tòa Thanh Hóa, ngày 12-10-2012; đồng thời đề nghị các giám mục cử hành Lễ Khai Mạc Năm Đức Tin trong mỗi giáo phận vào ngày 18-10-2012. Theo lịch Phụng vụ, ngày 18-10 là lễ kính thánh sử Luca. Có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng lại hàm chứa trong đó những lời nhắn gửi.
Đọc Tin Mừng theo thánh Luca
Cả bốn thánh sử đều muốn giới thiệu chân dung Chúa Giêsu và giáo huấn của Người. Tuy nhiên, từ những cảm nghiệm riêng của bản thân, những nhu cầu của cộng đoàn và trong tác động của Chúa Thánh Thần, mỗi vị lại làm nổi bật những khía cạnh khác nhau trong chân dung vô cùng phong phú của Chúa Cứu Thế. Cách riêng Tin Mừng Luca thường được gọi là Tin Mừng của niềm vui, của lòng thương xót, và của đời sống cầu nguyện.
Tin Mừng Luca tràn ngập niềm vui, niềm vui cứu độ, niềm vui của tình yêu. Chỉ có thánh Luca kể lại câu truyện về việc sinh hạ Chúa Giêsu, câu truyện tuyệt vời được cả Hội Thánh công bố vào Lễ Đêm Giáng Sinh hằng năm. Trọng tâm của câu truyện là lời loan báo của sứ thần: “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, Đấng Kitô đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít” (2,10). Cả thánh Matthêu và Luca đều kể lại dụ ngôn Tìm chiên lạc, nhưng thánh Luca làm nổi bật niềm vui của thiên đàng: “Tôi nói cho các ông hay, trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối hơn là vì 99 người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (15,7). Cũng chỉ có thánh Luca kết thúc sách Tin Mừng bằng niềm vui khôn tả: “Bấy giờ các ông bái lạy Người rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỉ, và hằng ở trong Đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa” (24,52-53).
Tin Mừng Luca còn được gọi là Tin Mừng về lòng thương xót. Trong cả bốn sách Tin Mừng, chúng ta tìm đâu ra được câu truyện về người Samari nhân hậu, thấy người bị nạn dọc đường thì chạnh lòng thương và tìm cách cứu chữa đến nơi đến chốn (Lc 10,30-37)? Tìm đâu ra được câu truyện về ông quan thu thuế Dakêu, bị mọi người khinh ghét, thế mà lại được Chúa đến thăm (Lc 19,1-10)? Tìm đâu ra được câu truyện về người phụ nữ tội lỗi nhưng đã ăn năn sám hối vì gặp được lòng thương xót nơi Chúa Giêsu (Lc 7,36-50)? Và làm sao quên được những dụ ngôn tuyệt vời trong chương 15 của Tin Mừng Luca: Con chiên lạc, Đồng bạc bị đánh mất, Người cha nhân hậu? Những dụ ngôn ấy làm nổi bật dung nhan của Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, sẵn sàng đón nhận tất cả, tha thứ tất cả, chỉ mong sao cho con cái được hạnh phúc.
Cuối cùng, Tin Mừng Luca xứng đáng được gọi là Tin Mừng về Chúa Thánh Thần và đời sống cầu nguyện. Cả ba tác giả Tin Mừng nhất lãm đều kể truyện Chúa Giêsu chọn 12 tông đồ, nhưng chỉ có thánh Luca nhắc đến chi tiết quan trọng: “Trong những ngày ấy, Chúa Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa” (6,12). Sau đó Chúa mới chọn 12 tông đồ. Cũng chỉ có thánh Luca cho biết Chúa Giêsu biến hình trong lúc Người cầu nguyện: “Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh, chói lòa” (9,29). Và cũng chỉ có thánh Luca cho chúng ta biết các môn đệ xin Chúa Giêsu dạy họ cầu nguyện là vì họ đã nhìn thấy Chúa cầu nguyện (11,1).
Để định hướng cho Năm Đức Tin
Khi chọn lễ thánh sử Luca làm ngày khai mạc Năm Đức Tin, thì chính những điểm nhấn của Tin Mừng Luca lại mở ra định hướng cho Năm Đức Tin.
Nếu Tin Mừng Luca là Tin Mừng của niềm vui thì Năm Đức Tin phải là năm khám phá lại niềm vui mà đức tin mang lại. Sống trong cuộc đời, ai chẳng mong đợi niềm vui nhưng xem ra cuộc đời lại ban tặng nước mắt nhiều hơn hạnh phúc. Khám phá lại niềm vui đức tin là làm mới lại xác tín rằng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Thiên Chúa vẫn yêu thương tôi và muốn cho tôi được hạnh phúc, không chỉ bây giờ mà mãi mãi. Khám phá lại niềm vui đức tin còn là tìm lại niềm vui đích thực, vốn không đến bằng chiếm hữu và hưởng thụ như quan niệm thường thấy trong đời, nhưng qua sự trao ban và dâng hiến của tình yêu. Như tình Chúa yêu người, như tình mẹ thương con. Để được như thế, ngay cả cách trình bày giáo lý có khi cũng phải xem lại. Chẳng hạn khi trình bày về bí tích Giải tội, cùng với việc nhấn mạnh đến ý thức về tội lỗi trong một thời đại dường như đang mất dần cảm thức về tội, thì đồng thời phải làm nổi bật bí tích Giải tội như là bí tích của niềm vui, niềm vui của hối nhân và hơn nữa, niềm vui của chính Thiên Chúa: “Chúng ta phải vui mừng chứ, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy” (Lc 15,32). Và không ít những thí dụ tương tự trong cách trình bày giáo huấn của Tin Mừng.
Nếu Tin Mừng Luca là Tin Mừng của lòng thương xót thì Năm Đức Tin phải là năm sống đức tin bằng đức ái. Người Kitô hữu không tin vào một vị Thiên Chúa chung chung như biết bao người Việt Nam tin rằng có Ông Trời, nhưng người Kitô hữu tin vào Đấng Thiên Chúa là Tình Yêu. Làm sao có thể nói mình tin vào Thiên Chúa tình yêu trong khi cuộc sống lại đi ngược lại tình yêu? Thế nên ở tự nó, đức tin và đức ái đã hòa quyện với nhau. Khi suy niệm dụ ngôn Mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể, các giáo phụ giải thích rằng đèn là đức tin, còn dầu là đức mến. Đức tin mà không có đức mến thì cũng giống như có đèn mà không có dầu, và bị liệt vào hạng “khờ dại”. Cũng như chất dầu thấm vào bấc đèn và làm cho ngọn đèn tỏa sáng, thì đức mến cũng phải thấm vào toàn bộ suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta để làm nên những hành động của đức tin: tình yêu và lòng thương xót.
Cuối cùng, nếu Tin Mừng Luca là Tin Mừng của đời sống cầu nguyện thì Năm Đức Tin phải là năm tăng cường cầu nguyện. Chúa Giêsu chính là gương mẫu cầu nguyện tuyệt hảo. Khi chiêm ngắm Chúa Giêsu, người Kitô hữu hiểu cầu nguyện không phải là nài xin Thiên Chúa làm theo sở thích của mình, nhưng là để nhận biết và quảng đại thi hành thánh ý Chúa: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà theo ý Cha” (Lc 22,42). Cầu nguyện như thế nhiều khi là cả một cuộc vật lộn, đấu tranh với Chúa, như thánh Luca ghi nhận về Chúa Giêsu cầu nguyện: “Mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (22,44). Chỉ nhờ cầu nguyện như thế, người môn đệ Chúa Giêsu mới có thể khám phá niềm vui ngay giữa những khổ đau và thử thách, mới có thể sống tình yêu và lòng thương xót ngay giữa những nhỏ nhen ích kỷ, hận thù và tính toán của người đời.
Kết luận
Đức tin thúc đẩy chúng ta cầu nguyện với Đấng mình tin. Qua cầu nguyện, Thiên Chúa uốn lòng ta nên giống Trái Tim Chúa, trái tim biết yêu thương. Khi yêu thương, người môn đệ Chúa gặp được niềm vui, niềm vui cảm nhận ngay hôm nay và bền vững đến tận cõi thiên đàng. Ấy là bản giao hưởng của đức tin Kitô giáo.
- (Lm. Charles Conroy, MSC)
- (Lm. Charles Conroy, MSC)
- (Gs. Nguyễn Khắc Dương)
Dẫn nhập
Tin là gì? Đã là người sinh ra trong thế giới này đều phải tin. Sống là tin vào con người vì không ai tự mình có thể biết hết mọi sự. Đối với mọi người, tin là chấp nhận đúng sự thật một quả quyết của người khác. Đối với chúng ta, những người công giáo tin là chấp nhận đúng sự thật những gì Thiên Chúa nói, được Chúa Giêsu mạc khải, được Hội Thánh rao giảng[1].
Đức tin là một vấn đề quan trọng và cần thiết trong cuộc sống người Kitô hữu. Bởi vậy cần phải tìm hiểu, đào sâu, củng cố cho niềm tin của mình để không bị chao đảo khi đứng trước những trào lưu tư tưởng mới cũng như khi gặp sóng gió thử thách trong cuộc đời. Giáo Hội đã dành riêng năm nay là Năm Đức Tin để giúp chúng ta là những người Kitô hữu tái khám phá lại niềm tin của mình đồng thời sống và loan truyền niềm tin ấy.
1. Giáo huấn của Hội Thánh.
Theo Sách Giáo Lý của Hội Thánh công Giáo (GLHTCG): “Đức tin là một hồng ân của Thiên Chúa, là một nhân đức siêu nhiên do Thiên Chúa tuôn ban”[2]. Công đồng Vaticano II đã khẳng định: “Đối với Thiên Chúa, Đấng mặc khải, con người phải bày tỏ bằng “sự vâng phục bằng đức tin”[3], qua đó con người tự do phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa bằng việc “dâng lên Thiên Chúa, Đấng mặc khải, sự quy phục trọn vẹn của lý trí và ý chí”[4], và tự nguyện ưng thuận mặc khải Ngài đã ban. Để có được đức tin này cần có ân sủng Thiên Chúa đến trước giúp đỡ và sự trợ giúp bên trong của Thánh Thần: Ngài đánh động và quy hướng con tim về cùng Thiên Chúa, Ngài mở mắt lý trí và cho mọi người cảm thấy dịu ngọt khi ưng thuận và tin vào chân lý”[5].
2. Diễn giải
2.1. Đức Tin là một nhân đức siêu nhiên do Thiên Chúa tuôn ban
Đức tin không phải là sản phẩm của tự nhiên hay của trí tuệ, chúng ta nhận được đức tin là do hồng ân của Thiên Chúa. Thiên Chúa tự tỏ mình ra cho chúng ta và cho chúng ta biết chân lý. Chính Chúa Giêsu đã mạc khải điều đó được Thánh Matthêu ghi lại: “Mọi sự đều đã được Cha Ta trao phó cho Ta, và không ai biết được Con trừ phi có Cha; và cũng không ai biết được Cha trừ phi có Con và kẻ được Con khấn mạc khải ra cho” (Mt 11, 27), và trong Tin Mừng thánh Gioan “Không ai có thể đến với ta nếu Cha Ta không lôi kéo người ấy” (Ga 6, 44). Công đồng Vaticanô II khẳng định: “Do lòng nhân lành và khôn ngoan, Thiên Chúa đã muốn mặc khải chính mình và tỏ cho biết thiên ý nhiệm mầu (x. Ep 1, 9), nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha”[6]. Như thế, Thiên Chúa tự mạc khải chính Ngài cho con người và đứng trước mạc khải của Thiên Chúa, con người đáp lại bằng sự vâng phục đức tin[7], nghĩa là tin tưởng trọn vẹn vào Chúa, đón nhận chân lý của Ngài, đồng thời để Chúa làm chủ và hướng dẫn cuộc đời của ta. Nếu Thiên Chúa không tỏ mình ra cho chúng ta, thì nổ lực tìm kiếm của chúng ta sẽ ra vô ích. Vậy Thiên Chúa ban ơn đức tin cho con người để làm gì ? Thiên Chúa ban ơn đức tin cho con người bởi vì “Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ” (1Tm 2,4). Đức Giáo Hoàng Benêdictô trong Tông huấn Porta Fidei viết: “Tin vào Chúa Giêsu Kitô chính là con đường chắc chắn đạt tới ơn cứu độ” (PF 3).
2.2. Đức tin là một hành vi nhân linh
Chúng ta chỉ có thể tin nhờ ân sủng và những trợ giúp nội tâm của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên đức tin cũng là hành vi đích thực của con người, một hành vi nhân linh[8]. Tin chính là lời đáp trả của con người đối với lời mời gọi của Thiên Chúa. Nhờ ân sủng thúc đẩy và nhờ sự tự nguyện đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa, con người chấp nhận những chân lý mạc khải, tin vào Thiên Chúa, tin vào đường lối của Người, bước đi dưới ánh sáng của Người, con người được Thiên Chúa ban ơn cứu độ và được sống đời đời. Đó là cùng đích của đức tin chúng ta.
Vì đức tin là hành vi nhân linh nên đức tin là một hành vi tự do[9], con người có thể đón nhận hay từ chối ơn đức tin. Như một đứa trẻ đã rửa tội từ nhỏ nhưng lớn lên vẫn có thể chọn lựa cách tự do. “Thiên Chúa mời gọi con người phục vụ Ngài trong tinh thần và chân lý; con người phải theo lương tâm đáp lại lời mời gọi ấy, nhưng không bị ép buộc… Điều này chúng ta thấy rõ ràng nơi Đức Kitô”[10]. Ngài mời gọi người ta tin nhưng không ép buộc ai[11].
2.3. Những điều kiện để tin
- Mở tâm hồn và trí lòng ra đón nhận Lời Chúa.
- Tâm linh hướng về điều thiện. Tin là hành động của toàn con người với lý trí, ý chí và tình cảm. Cần phải có lòng ước muốn. Đôi khi phải chấp nhận những hy sinh, phải can đảm khước từ lối sống theo xác thịt, phải nổ lực, cố gắng và kiên trì[12].
- Cần có ơn Chúa giúp. Kín múc ơn Chúa nhờ đời sống cầu nguyện và việc lãnh nhận các bí tích.
2.4. Những cách sống nào lỗi nhân Đức tin và dẫn đến mất đức tin?
- Lười biếng không chịu học hỏi giáo lý và các chân lý mạc khải chứa đựng trong Kinh Thánh và trong giáo huấn của Giáo Hội.
- Nghi ngờ các chân lý mạc khải mà trở thành rối đạo, bỏ đạo hoặc ly khai khỏi Hội Thánh. Chối đạo cách công khai và cố tình tức là chối bỏ đức tin nghĩa là không dám nhận mình là người Kitô hữu. Chối bỏ đức tin là khước từ ơn cứu độ đã nhận được từ Thiên Chúa. Tội này hủy diệt toàn bộ đời sống siêu nhiên. Khi phải chính thức tuyên xưng đức tin mà cố tình im lặng thì cũng như là phủ nhận. Ngày xưa khi sai các tông đồ đi rao giảng, bước đầu Chúa Giêsu đã căn dặn “Khi người ta bắt bớ anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác” (Mt 10, 23). Nhưng đến khi cần thiết, các tông đồ đã theo gương Thầy Chí Thánh chấp nhận chịu chết để hoàn thành sứ mạng, minh chứng cho đức tin. Giáo Hội Việt Nam chúng ta mừng lễ các thánh tử đạo Việt Nam trong tháng 11, các thánh đã anh dũng tuyên xưng đức tin cho dầu có bị hành hình đau khổ, bị giết chết vẫn không chối bỏ đức tin.
- Sống bê tha, vô luân, rượu chè say sưa.
- Không sống đạo, bỏ kinh nguyện hàng ngày, bỏ các phép bí tích như là bỏ xưng tội lâu năm, không chịu lễ.
- Mê tín, coi thầy, bói toán, xem ngày, xem giờ, lên đồng bóng cầu cơ. Liều mình vào những dịp nguy hiểm có thể làm mất đức tin.
3. Áp dụng: Bổn phận đối với đức tin
- Hãy có tâm tình tạ ơn Chúa vì Người đã ban ơn đức tin cho chúng ta.
- Bảo vệ đức tin: Tin và giữ đức tin không phải dễ, nhất là trong bối cảnh hôm nay dễ làm con người xao động, hoài nghi, hoang mang, khủng hoảng. Vì thế cần bình tĩnh, cầu nguyện để được ánh sáng Chúa soi dẫn và đứng vững. Tránh những ảnh hưởng có thể làm lung lay hoặc dẫn đến mất đức tin. Giáo Hội khuyến cáo không nên đọc những sách nguy hại cho đức tin. Tìm đọc những sách đạo đức, những hướng dẫn của Hội Thánh về giáo lý, Thánh Kinh. Đồng thời bênh vực đức tin không mặc cảm khi bị chế diễu.
- Nuôi dưỡng đức tin: Giống như một chậu lan, nếu không chăm sóc, tưới nước, bón phân cây sẽ không ra hoa được, hoặc sẽ cằn cỗi và chết. Hay như một ngọn đèn dầu cần phải châm dầu nếu không có dầu đèn sẽ tắt. Vì vậy cần nuôi dưỡng đức tin bằng việc học hỏi giáo lý; đọc, học hỏi và suy niệm với Thánh Kinh, cầu nguyện, tham dự thánh lễ, lãnh nhận các bí tích.
- Làm chứng cho đức tin: Chúng ta có thể làm chứng bằng nhiều cách: Bằng lời nói, bằng hành động, bằng chứng nhân. Một ví dụ nhỏ, có nhiều nguời công giáo ra ngoài quán ăn không dám làm dấu thánh giá. Điều này không có nghĩa là chối đạo hay mất đức tin nhưng cho thấy đức tin còn non yếu chưa trưởng thành. Có nhiều cầu thủ bóng đá quốc tế ra sân vẫn làm dấu thánh giá. Nhiều vận động viên quốc tế trước khi thi đấu cũng không ngần ngại làm dấu thánh giá.
- Loan truyền đức tin: Nêu gương sáng đời sống đạo đức, cầu nguyện cho người chưa có hoặc đã mất đức tin. Tham gia vào các hội đoàn của giáo xứ, đời sống đạo, những sinh hoạt của giáo xứ, đặc biệt là tham gia vào công cuộc truyền giáo. “Các con là ánh sáng của thế gian…người ta không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng” (Mt 5, 14-17).
4. Ghi nhớ
1. H. Đức tin là gì ?
T. Đức tin là nhân đức siêu nhiên, là hồng ân Thiên Chúa ban giúp ta vững lòng tin tưởng phó thác vào Chúa mà chấp nhận những điều Chúa dạy và nhờ Hội Thánh truyền lại cho ta.
2. H. Con người đáp lại Lời Thiên Chúa như thế nào ?(C.22)
T. Con người đáp lại mạc khải Thiên Chúa bằng sự vâng phục đức tin.
3. H. Vâng phục đức tin là gì ?(C.23)
T. Vâng phục đức tin là tin tưởng trọn vẹn vào Thiên Chúa và đón nhận chân lý của Ngài đồng thời để Ngài làm chủ và hướng dẫn đời ta.
4. H. Đức tin có những đặc điểm nào ?(c.25)
T. Đức tin vừa là ơn Thiên Chúa ban, vừa là sự đáp trả có ý thức và tự do của con người.
5. H. Có những tội nào phạm đến đức tin ?
T. Có những tội này :
- Một là thờ ơ không chịu tìm hiểu các chân lý mạc khải
- Hai là cố ý nghi ngờ, hoặc chối bỏ các chân lý ấy, mà trở thành rối đạo, bỏ đạo, hoặc ly khai khỏi Hội Thánh.
|